Mình đã đọc được ở đâu đó câu nói: “Con chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ“.
Điều đó đã khiến mình suy nghĩ rất nhiều!
Bởi chính mình cũng đã từng như thế.
Rồi để thoát ra khỏi những thói quen không tốt đó là cả 1 quá trình lâu dài. Thời gian đó để làm những việc vui vẻ khác có phải tốt hơn không?
Điều đó thôi thúc mình thực hiện bài viết “Con chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ”. Để chia sẻ với những các bạn những thói quen không tốt có thể ảnh hưởng nhiều tới tâm lý & tính cách của các bé sau này.
Cãi nhau trước mặt con
Việc cha mẹ to tiếng trước mặt con thật tệ hại. Khi nó ảnh ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng cho tâm hồn ngây thơ.
Việc nhiều lần chứng kiến cha mẹ cãi nhau, sẽ vô tình khiến trẻ nhận định “cách giải quyết vấn đề tốt nhất là cãi nhau”.
Mình biết là cuộc sống vợ chồng tất nhiên là sẽ có nhiều khúc mắc.
Bảo các bạn đừng có cãi nhau thì e là rất khó. Kể cả mình chắc cũng chẳng làm được.
Nhưng nếu có xích mích với nhau thì cố gắng đừng để con bạn chứng kiến. Hãy tìm một địa điểm: Phòng ngủ, phòng tắm, công viên… Miễn là làm sao đừng để trẻ biết rằng 2 bạn đang cãi nhau là được.
Nói xấu người khác trước mặt con
Mình cảm giác đây giống như là một thói quen vô thức của người Việt Nam vậy.
Bởi vì rất nhiều người mình gặp, kể cả già trẻ, lớn bé đều rất thích nói xấu người khác.
Đây chắc chắn là một điều tệ hại.
Nó còn tệ hại hơn nữa khi bạn nói xấu người khác trước mặt con.
Bạn có muốn sau này con bạn cũng thành người thích nói xấu người khác hay không?
Quyền lựa chọn là ở bạn.
Đáp ứng mọi nhu cầu của con dù đúng hay sai
Cha mẹ nào cũng mong muốn con được bằng bạn bằng bè.
Tuy nhiên, không nên mềm lòng trước mọi yêu cầu của trẻ.
Cái gì trẻ dễ dàng có được thì sẽ không cảm thấy quý trọng & ngày càng sẽ đưa ra nhiều yêu cầu, thậm chí là yêu sách.
Lời khuyên cho cha mẹ là nên động viên con đúng lúc đúng chỗ.
Tặng quà con cũng cần đúng dịp có như vậy trẻ mới phấn đấu để đạt được mục tiêu.
Nâng niu con quá mức
Cha mẹ luôn có tâm lý muốn bảo vệ con ở mọi lúc, mọi nơi. Không có ai muốn con mình thất bại, bị tổn thương hay thất vọng.
Nhưng bạn hãy nhớ “Có thất bại mới có thành công”.
Đó là một phần tất yếu của cuộc sống. Bé cần phải được trải nghiệm để có thể trưởng thành hơn.
Mình đã từng gặp rất nhiều đứa trẻ lớp 5, lớp 6 rồi mà mẹ vẫn phải xúc cơm cho ăn.
Thật không thể hiểu nổi những mẹ đó nghĩ gì nữa.
Hãy để cho trẻ lớn lên bằng chính những sự thất bại.
Bạn hãy nhớ lại việc dùng đũa, chạy xe đạp, thua trong một hoạt động thể thao… Bạn cũng đã từng phải thất bại nhiều lần rồi mới có thể thành công được. Chỉ cần trông chừng để làm sao chúng không làm những việc gây nguy hiểm là được.
Kiểm soát con chặt chẽ
Đi học đi con.
Ngồi xuống ăn cơm đi nào.
Không đi đâu chơi cả
Đá bóng làm gì, không khéo lại gẫy chân.
Có phải ngày xưa các bạn cũng từng bị bố bẹ kiểm soát như thế không?
Hãy cho mình biết cảm xúc của bạn lúc đó. Nếu bạn thấy khó chịu với sự kiểm soát quá mức của của bố mẹ thì cũng đừng áp đặt nó lên con bạn.
Bởi vì nếu kiểm soát quá mức con bạn sẽ trở thành kẻ thụ động. Bởi vì chúng có được làm gì theo ý của mình đâu.
Lâu dần sẽ nảy sinh tâm lý chống đối, nổi loạn & dễ hình thành nhân cách xấu.
Vậy nên hãy kiểm soát con ở mức vừa phải. Đừng lấy mất đi tuổi thơ của con bạn nhé!
Không thực sự quan tâm khi con chia sẻ
Đây là lỗi mà không ít các ông bố bà mẹ mắc phải trong cuộc sống hiện nay.
Khi con cái chúng ta muốn được nói chuyện, tâm sự thì những công việc hay câu chuyện đang còn dang dở với bạn bè nên thường chỉ ậm ừ cho qua chuyện.
Trẻ con rất nhạy cảm và chúng cần được tôn trọng. Nếu vài lần như thế, thì chúng sẽ dần dần không muốn tâm sự với bố mẹ nữa.
Vô hình chung là bạn đã tự đẩy con mình ra xa vòng tay yêu thương của bạn rồi đó.
Luôn cho rằng mình đúng
Đa phần các cha mẹ Việt đều cho mình cái quyền tối cao. Nói gì là con cái phải làm theo.
Trong đầu luôn tâm niệm:
- Điều 1: Cha mẹ luôn đúng
- Điều 2: Nếu sai vui đọc lại điều 1.
Nhiều người nghĩ rằng nếu nhận sai với con thì sẽ xấu hổ, con sẽ không còn coi trọng mình nữa. Đây hoàn toàn là một suy nghĩ rất sai lầm.
Nếu chính bạn không trung thực & không dám thẳng thắn nhận lỗi thì sao bạn có thể mong con mình trở thành một người trung thực & thẳng thắn được.
Nếu lỡ may làm sai một việc gì đó hãy thẳng thắn nhận lỗi. Có như vậy con mới cảm nhận được đối xử công bằng trong gia đình. Đó là những việc rất cần thiết để hình thành nên một đứa trẻ có nhân cách tốt.
Việc cha mẹ cho mình cái quyền tối cao, rằng mình không bao giờ sai và không nhận lỗi trước mặt con là suy nghĩ vô cùng tiêu cực.
Nói những lời nặng nề làm tổn thương đến con
Điều này làm con bạn bị tổn thương nghiêm trọng.
Dần dần khiến con bạn trở nên tự tự ti & sống khép kín. Cũng chính vì thế mà năng lực thực sự của con bạn đã bị hạn chế đi rất nhiều.
Dưới dây là 1 clip rất hay của Dưa Leo nói về vấn đề này:
Nghiện công nghệ
Việc dính chặt vào những sản phẩm công nghệ sẽ làm bạn xa rời con cái. Con của bạn sẽ cảm thấy lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình.
Bạn không có thời gian để trò chuyện, để dạy con học hay chỉ là đơn giản quan sát con từ xa.
Bạn thử nghĩ mà xem! Nếu con bạn suốt ngày cầm điện thoại, rồi chơi game, vào Facebook thì cảm giác của bạn sẽ thế nào.
Tôi nghĩ rằng bạn sẽ chẳng vui chút nào, thậm chí còn giận dữ nữa là đằng khác.
Và con bạn cũng thế. Có khác là chúng không được thể hiện thái độ khó chịu với bố mẹ mình mà thôi.
Không được thể hiện ra bên ngoài thì sẽ nén vào bên trong. Điều đó càng nguy hiểm hơn bội phần.
Chính vì lý do này, bạn hãy dành thời gian ở cạnh con, chơi với con, dạy con học…
Đừng có biện minh rằng tôi lướt điện thoại là vì công việc. Tôi phải xem Youtube để học thêm những kỹ năng mới…
Hãy nhớ lại: Bạn đi làm là vì cái gì?
Có phải là vì gia đình, vì con bạn hay không?
Thiếu tôn trọng người lớn tuổi
Bạn nghĩ thế nào nếu con nói trống không với bạn, không lễ phép với ông bà & coi thường những người lớn tuổi.
Nếu bạn không muốn điều đó xảy ra, thì chính bạn cũng cần phải làm tốt thái độ của mình.
Hãy luôn giữ thái độ tôn trọng những người lớn tuổi. Đặc biệt là những người thân trong gia đình cần luôn giữ thái độ lễ phép, hòa nhã.
Như thế bạn luôn giữ được ấn tượng tốt với người khác và điều quan trong hơn cả là con bạn sẽ nhìn vào đó mà học tập theo.
Thường không ăn cơm ở nhà
Người lớn hay trẻ con thì ai cũng mong những bữa cơm quây quần bên gia đình.
Nếu bạn thường xuyên không ăn cơm ở nhà sẽ khiến cho bé có cảm giác gia đình không thật sự đầm ấm.
Lâu dần trẻ cũng sẽ không còn thích thú & hào hứng khi mỗi giờ cơm đến nữa.
Thay vào đó bé sẽ tìm kiếm những thú vui bên ngoài Vì gia đình không đem lại cho chúng niềm vui nữa.
Hãy cẩn trọng và rất cân nhắc việc này bạn nhé!
Kết
Ngoài ra, còn rất nhiều thói quen xấu mà người lớn chúng ta tưởng chừng như vô hại nhưng thực ra chính là những mũi kim gây tổn thương tới những tâm hồn của trẻ.
Có thể kể đến một số cái tiêu biểu khác như: Than vãn, trễ hẹn, nói dối, hút thuốc, không tuân thủ luật lệ giao thông…
Mình cũng có nói chuyện với nhiều người, đa phần mọi người đều biết là những thói quen đó không tốt nhưng lại hay đưa ra những câu trả lời như:
- Nó còn bé không biết gì đâu
- Ngày hút có mấy điếu ý mà, có chết ai đâu
- Không cho nó xem hoạt hình thì nó không ăn cơm đâu
Hãy dừng & suy nghĩ lại xem nếu bạn cứ giữ mãi những thói quen đó thì con bạn sẽ thế nào.
- Có phải bạn làm tất cả mọi thứ là vì con không?
- Có phải bạn muốn con mình sẽ là một người trưởng thành không?
Quyết định là ở bạn và hành động cũng là ở bạn!
KHÓA HỌC DẠY CON THEO PHONG CÁCH NGƯỜI NHẬT
Có thể bạn sẽ cần: