Viêm phổi ở trẻ sơ sinh là một bệnh lý nhiễm trùng ở phổi của trẻ. Nó có thể biến chứng dẫn đến suy hô hấp – khiến trẻ không đủ oxy trong máu.
Việc phòng ngừa viêm phổi ở trẻ sơ sinh là điều cơ bản, thiết yếu để giúp trẻ không bị bệnh.
Bài viết dưới đây của Vochongnho.com sẽ cung cấp cho bạn một số kiến thức cần phải biết về bệnh viêm phổi ở trẻ sơ sinh, cùng tham khảo nhé!
Viêm phổi là gì?
Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng ở một hoặc cả hai phổi, và đôi khi được gọi là nhiễm trùng ngực. Bệnh lý này ở trẻ sơ sinh chủ yếu do vi khuẩn gây ra.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh bị viêm phổi
Khi trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ bị viêm phổi, nguyên nhân đầu tiên cha mẹ thường nghĩ đến là do thời tiết lạnh. Tuy nhiên đây chỉ là một tác nhân, còn nhiều nguyên nhân khác có thể có từ rất sớm dẫn tới căn bệnh này.
Trẻ sơ sinh bị viêm phổi chủ yếu là do các loại vi khuẩn như Listeria, Coli, vi khuẩn Gram âm. Nhiễm khuẩn phổi ở trẻ có thể xảy ra từ trước, trong hoặc sau khi đẻ, liên quan mật thiết tới thời gian vỡ ối trước khi đẻ.
Cụ thể:
- Vỡ màng ối và được sinh chậm trễ (> 18 giờ).
- Màng ối của mẹ bị nhiễm trùng.
- Nhịp tim của sản phụ trước và trong lúc sinh nhanh.
- Mẹ bị sốt trước và trong lúc sinh.
- Trong khi đỡ đẻ, việc hồi sức sau đẻ và chăm sóc trẻ sơ sinh cũng cần thực hiện vô trùng, nếu không trẻ sơ sinh rất dễ bị nhiễm khuẩn từ các dụng cụ, môi trường, người chăm sóc.
- Trẻ sơ sinh có thể bị viêm phổi do hít phải nước ối, phân su đã nhiễm khuẩn hoặc dịch tiết ở đường sinh dục của người mẹ lúc trẻ chuẩn bị chào đời.
Ngoài ra, nguyên nhân nữa khiến trẻ sơ sinh bị viêm phổi đó là thai nhi trong tử cung bị thiếu dưỡng khí. Do đó trong quá trình mang thai, người mẹ phải kiểm tra định kỳ, nhất là giai đoạn cuối để phát hiện sớm tình trạng này và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Bên cạnh đó, những trẻ sơ sinh thiếu cân do các phản xạ đường thực quản còn chưa hoàn thiện, vận động cơ chưa đều đặn nên dễ bị trào ngược thực quản dạ dày khiến sữa bị hít nhầm vào phổi, gây các triệu chứng thở gấp, hụt hơi, tím tái mắt. Lượng sữa hít vào càng nhiều thì triệu chứng càng nặng, có thể gây ra viêm phổi.
Trẻ bị các bệnh như viêm da, viêm khoang miệng, viêm dây rốn cũng có thể dẫn đến viêm phổi.
Biểu hiện viêm phổi ở bé sơ sinh
Bệnh viêm phổi ở trẻ thường có biểu hiện không rõ ràng.
Vì vậy, hãy đưa con bạn đến gặp bác sĩ khi:
- Con bú kém.
- Bé cũng có thể bỏ bú, nôn nhiều.
- Kèm theo đó là con sốt cao, trên 37,5 độ.
- Bé khó thở hoặc thở nhanh.
- Ho vừa đến nặng – thường là ho nặng tiếng, nhưng không nhất thiết như vậy.
- Thở nhanh liên tục (khác với thở nhanh nhất thời khi trẻ bị sốt cao).
- Thở gắng sức: cánh mũi phập phồng, thở rên, co kéo cơ liên sườn (phần mềm giữa các xương sườn lõm vào khi trẻ hít vào), co rút hõm ức, rút lõm lồng ngực.
- Sốt – sốt vừa đến sốt cao.
- Đau ngực – không chỉ trong lúc ho, mà cả giữa các cơn ho.
- Nôn – không chỉ sau những cơn ho mạnh mà cả giữa các cơn ho.
- Tím tái quanh môi và ở mặt – do thiếu ôxy
- Thở rít – mặc dù thở rít thường là biểu hiện của nhiễm virus nhiều hơn nhưng đôi khi cũng xuất hiện trong viêm phổi.
Có thể phát hiện trẻ thở nhanh qua các chỉ số dưới đây:
- Trẻ từ 1-5 tuổi, thở từ 40 lần trong 1 phút trở lên;
- Trẻ từ 2 tháng đến 1 tuổi, thở từ 50 lần trong 1 phút trở lên;
- Trẻ dưới 2 tháng tuổi, thở từ 60 lần trong 1 phút trở lên.
Cũng có thể nhận biết bằng cách khác, cha mẹ vén áo trẻ lên và quan sát lồng ngực. Nếu thấy trẻ thở khác thường, khi thở phát ra tiếng bất thường nào đó thì cũng có thể trẻ đã bị viêm phổi.
Biến chứng khi trẻ sơ sinh bị viêm phổi nặng
Trước và sau khi sinh là thời điểm sức đề kháng của bé còn yếu, hầu hết các loại vi khuẩn đều có thể tấn công. Vẫn biết, qua mỗi lần bệnh trẻ có thể tăng cường thêm đề kháng.
Tuy nhiên mẹ cần tuyệt đối tránh để diễn biến quá tầm kiểm soát. Viêm phổi ở trẻ sơ sinh cũng vậy. Biến chứng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ sau này.
Viêm màng não
Biến chứng gần nhất của bệnh viêm phổi là bệnh viêm màng não ở trẻ em. Nguyên nhân do tình trạng bệnh viêm phổi chuyển nặng, các loại vi khuẩn tấn công mạnh.
Nếu để lâu hơn, bệnh có thể để lại nhiều di chứng không thể phục hồi như rối loạn thần kinh, tổn tương não vĩnh viễn, bị mù, điếc, giảm khả năng vận động…
Gây nhiễm trùng máu
Vi khuẩn từ bệnh viêm phổi có thể xâm nhập vào hệ tuần hoàn dẫn đến nhiễm trùng máu và biến chứng sốc nhiễm trùng. Nếu bé không được điều trị sớm và đúng cách có thể dẫn đến tử vong.
Tràn mủ màng phổi
Không phải biến chứng thường gặp nhưng đây là lại là biến chứng nguy hiểm. Tràn mủ màng phổi điều trị vô cùng khó khăn. Hầu hết trẻ ở mức độ bệnh này đều hô hấp rất khó khăn và bắt đầu xuất hiện tình trạng kháng thuốc.

Tràn dịch màng tim, trụy tim
Từ biểu hiện kháng thuốc sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp tới hệ tuần hoàn qua hàng loạt các biến chứng nguy hiểm như tràn dịch màng tim, trụy tim, bóng tim
Tình trạng kháng kháng sinh
Nếu mắc phải biến chứng này, sẽ khó khăn khi điều trị. Phải phối hợp nhiều loại thuốc kháng sinh để điều trị, chi phí tốn kém, khả năng khỏi bệnh không cao. Về lâu dài sẽ làm suy giảm khả năng miễn dịch và phòng bệnh của cơ thể.
Gây còi xương
Tuy khỏi bệnh nhưng trẻ có thể bị còi xương, điều này càng khiến mẹ lo lắng hơn. Bệnh đòi hỏi thời gian và chi phí tốn kém. Thậm chí có thể dẫn đến biến chứng viêm xương chũm, viêm màng não, áp-xe não.
Làm gì để bé không mắc bệnh viêm phổi?
Để phòng bệnh viêm phổi sơ sinh trong quá trình mang thai các thai phụ phải đi kiểm tra thai định kỳ, nhất là giai đoạn cuối nhằm sớm phát hiện những bất thường cho thai nhi để có biện pháp can thiệp kịp thời.
- Khi trẻ chào đời quan trọng nhất bảo đảm giữ ấm cho trẻ.
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn để tăng sức đề kháng và khi cho bú cần thận trọng tránh không để trẻ bị sặc sữa.
- Giữ vệ sinh cho trẻ, người chăm sóc phải rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ để trẻ không bị lây nhiễm vi khuẩn
- Dụng cụ để chăm sóc trẻ như cốc, thìa, chăn, áo, tã… phải sạch, khô, vô trùng, tránh không cho tiếp xúc với các nguồn lây bệnh…
Hy vọng bài viết trên đây của Vochongnho.com sẽ giúp ích cho bố mẹ trong việc nuôi con.
Chúc các bé yêu luôn khỏe mạnh!
Hãy là những bố mẹ thông thái nhé!
Có thể bạn sẽ cần:
Dấu hiệu nhận biết chậm nói ở trẻ em